Có nên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nông sản?

2021-09-02

Hiện nay giá trị của nông sản Việt trên thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế, kém cạnh nhiều mặt từ chất lượng sản phẩm đến khâu đăng kí sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế. Sở hữu trí tuệ đối với nông sản - Đây không chỉ là thách thức của riêng nhà sản xuất về “quy trình”, nguy cơ “mất thương hiệu” mà còn là thách thức đối với những nhà đầu tư, đại lí có quan tâm đến sản phẩm.



Việt Nam là nước có điều kiện và ưu thế cung cấp nông sản ra các thị trường ngoài nước do sản lượng nông sản lớn, đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, hiện nay giá trị của nông sản Việt trên thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế, kém cạnh nhiều mặt từ chất lượng sản phẩm đến khâu đăng kí sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế. Sở hữu trí tuệ đối với nông sản - Đây không chỉ là thách thức của riêng nhà sản xuất về “quy trình”, nguy cơ “mất thương hiệu” mà còn là thách thức đối với những nhà đầu tư, đại lí có quan tâm đến sản phẩm.

Theo số liệu báo cáo, năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tiếp nhận hơn 125 nghìn đơn đăng ký, tăng trên 4% so với năm 2019; trong đó có hơn 76 nghìn đơn đăng ký xác lập quyền SHCN tăng hơn 1,3% so với năm 2019 và hơn 49 nghìn đơn hoặc yêu cầu về sửa đổi đơn, chuyển nhượng đơn, cấp lại văn bằng bảo hộ, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ... điều này cho thấy sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề quan trọng đối với việc tạo dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá nông sản. Tính đến năm 2020, có 42 tỉnh/thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; có hơn một nghìn sản phẩm OCOP được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hàng nghìn lớp tập huấn, đào tạo và chương trình truyền thông về SHTT được thực hiện.

Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2021 được tổ chức tại Lâm Đồng đã thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp là dấu hiệu khả quan cho thấy doanh nghiệp đã bắt đầu có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này

Sở hữu trí tuệ đối với nông sản Việt hiện nay như thế nào?

Tuy vấn đề sở hữu trí tuệ đã bắt đầu được các doanh nghiệp quan tâm nhưng vẫn còn rất ít sản phẩm được đăng ký bảo vệ quyền SHTT ở nước ngoài, kể cả những mặt hàng rất nổi tiếng. Hệ lụy của việc đó là nhiều mặt hàng nông sản đặc sản của Việt Nam bị giả mạo một cách tràn lan dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Với điều kiện của Việt Nam, nguồn cung nông sản rất đa dạng với nhiều chủng loại, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm nông sản Việt ra nước ngoài vẫn tồn đọng nhiều thách thức: Tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình thủ tục đăng kí quyền SHTT phức tạp. Những rào cản đó không chỉ cản trở nông sản Việt xâm nhập thị trường quốc tế, thua thiệt trong cạnh tranh mà còn làm nông dân lao đao trong chính thị trường Việt vì kém cạnh trong cuộc chạy đua về chất lượng, uy tín với nông sản ngoại.

Gạo ST 25 - minh họa rõ nhất về nguy cơ  “Đánh mất thương hiệu Việt” trên thị trường quốc tế

Tháng 11/2019, nông sản Việt lại đón nhận tin vui với niềm tự hào lớn khi gạo ST25 do nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Philippines.

Vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu gạo ST25 là hồi chuông cảnh báo cho doanh nghiệp khi không đăng ký bảo hộ tại nước ngoài

Ngày 19/04/2021, tại một diễn đàn diễn ra ở TP HCM, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin gạo ST của Việt Nam đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền ở Mỹ. Đến tháng 5, một doanh nghiệp ở Úc nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.

Vi phạm xảy ra phổ biến nhất là với các nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu trước sau đó mới nghĩ đến việc đăng kí SHTT cho thương hiệu. Thực trạng này được nhận định là “Mất bò mới lo làm chuồng”. Cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký trước ở Trung Quốc, cà phê Trung Nguyên bị đăng ký ở thị trường Mỹ, kẹo dừa Bến Tre tại thị trường Thái Lan… nhiều hãng trong nước và nước ngoài đã gắn tên sản phẩm của họ bằng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” do sự nổi tiếng của nước mắm Phú Quốc; vụ khiếu kiện đặt tên “Vang đỏ Đà Lạt” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với sản phẩm có tiếng “Vang Đà Lạt” đã xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,…đây là những câu chuyện thực tế đã xảy ra đối với doanh nghiệp Việt về sở hữu công nghệp đối với sản phẩm. Ngoài ra, một số mặt hàng tiêu dùng nổi tiếng trong nước cũng bị đạo nhái về kiểu dáng công nghiệp, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, một trong nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt chưa quan tâm đúng mức đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến có tình trạng thương hiệu Việt Nam đã bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài. Hậu quả là doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được như các vụ thương hiệu lớn về nước mắm, cà phê… Phát biểu về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông, người đã từng phải mất 5 năm khởi kiện một công ty khác đã đánh cắp nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp của công ty, chia sẻ: “Đăng ký đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Vì vậy, phải đăng ký ngay bảo hộ quyền SHTT khi xây dựng thương hiệu”.

Lợi ích khi đăng ký bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ đối với nông sản là gì?

- Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để xác định quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu nông sản.

- Tạo tính độc quyền nhằm nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.

- Giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp với các sản phẩm của doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực và cả các doanh nghiệp khác lĩnh vực.

- Ngăn chặn tình trạng sao chép, đạo nhái lại nhãn hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có thể được bồi thường do hành vi xâm phạm nhãn hiệu nói trên.

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc khai thác giá trị tài sản trí tuệ một cách hiệu quả cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực góp phần quan trọng phát triển kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Sở hữu trí tuệ - Những thách thức tồn đọng

Ở khía cạnh hỗ trợ hàng hoá tham gia thị trường quốc tế, chuyên gia của NHO cho rằng vẫn còn một số bất cập, mâu thuẫn trong quy định của luật SHTT của Việt Nam và quốc tế, cách thức quản lý thực thi quyền SHTT ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Ở Việt Nam, mặc dù đã có quy định về việc thực thi quyền SHTT nhưng việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật sự hiệu quả dẫn đến nhiều doanh nghiệp được bảo hộ bị thiệt thòi. Do đó, cần phải hoàn thiện các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế; xoá bỏ các thủ tục rườm rà, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho các hoạt động bảo hộ quyền SHTT theo hướng thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế nói chung.

Ông Hoàng Bá Nghị giới thiệu sản phẩm sầu riêng Tân Thới trong đề tài xây dựng sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi NHONHOvới Bộ trưởng Bộ KHCN - Ông Huỳnh Thành Đạt

Tổ chức NHONHO đồng hành cùng chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ

Trong năm 2020, tổ chức NHO đã tư vấn và hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý như vịt bầu cổ xanh ở Bắc Kạn, chôm chôm ở Bến Tre, nhãn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu..; đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Rau màu ở An Sơn huyện Đắk Pơ tỉnh Gia Lai; nhãn hiệu tập thể cho mận máu ở Hoàng Su Phì,.. đặc biệt là tư vấn thiết kế, đăng ký sở hữu trí tuệ cho hơn 200 sản phẩm OCOP ở khắp 63 tỉnh thành.

Ông Hoàng Bá Nghị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHONHO nhấn mạnh các doanh nghiệp cần biết rằng mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền SHTT của người khác trên thị trường đó. Ông còn cho biết thêm: mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình. Ông Nghị cũng khuyến nghị các cơ quan nhà nước cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng và loại thế ở địa phương thay vì đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với nông sản không chỉ đơn thuần là bảo đảm thương hiệu của sản phẩm trên thị trường không bị “đánh cắp”, mà ý nghĩa quan trọng đằng sau nó là mang lại giá trị cho chính chủ thể có sản phẩm sở hữu trí tuệ, là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư và hội nhập vào các thị trường một cách hiệu quả.